Hội thảo quốc tế ASJA – ASCOJA là chuỗi hội thảo chuyên đề do các Hội cựu lưu học sinh các nước Đông Nam Á tổ chức dưới sự hỗ trợ của Bộ ngoại giao Nhật Bản, ASJA, ASCOJA, được bắt đầu từ năm 2015 với hội thảo đầu tiên là “Hội thảo Quốc tế về giáo dục Nhật Bản và Đông Nam Á (JASE 2015)” do CLB Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (JAV) chủ trì. Cho đến nay, sau 4 năm đã có 11 cuộc hội thảo được tổ chức tại các nước có Hội Cựu lưu học sinh thành viên của ASCOJA (riêng Việt Nam đã 2 lần tổ chức, với Hội thảo thứ 2 là JASE 2018). Hội thảo lần này cũng là Hội thảo lần thứ 2 tại Thái Lan, và cũng là hội thảo lần thứ 12 được tổ chức. Tiếp sau hội thảo lần này, trong năm nay sẽ còn có 2 hội thảo nữa được tổ chức tại Campuchia vào tháng 10 tới và tại Indonexia vào cuối tháng 12. Đại diện cho Hội Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (JAV) có Tiến sỹ Trần Thị Thu Thủy, Trưởng Khoa tiếng Nhật trường Đại học Ngoại thương Hà Nội/ Thành viên Ban chấp hành JAV và Bà Huỳnh Vũ Hiền, Trưởng Ban thông tin và là Thành viên Ban chấp hành JAV cùng tham dự.
Với chủ đề “Khả năng ngôn ngữ và hiểu biết văn hóa để phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hóa”, hội thảo lần này tại Bangkok đã thu hút được hơn 150 người đến tham dự và phát biểu tham luận. Ông Jiro Sato, Tổng thư ký của ASJA đã đến dự và phát biểu khai mạc.
Sau phần phát biểu khai
mạc hội thảo, Bà Shinko Fukazawa, đại diện Tổ chức JMHERAT (Japanese Mother
Tongue and Heritage Language Education and Research Association in Thailand),
đã có có bài nói chuyện hết sức thú vị và giàu chất học thuật về một khái niệm
mới thay thế cho khái niệm “Đa dạng văn hóa và Đa dạng ngôn ngữ”, đó là “Hòa
nhập văn hóa và hòa nhập ngôn ngữ”.
Trong phần tham luận về công tác giảng dạy tiếng Nhật, đại diện của 5 nước gồm:
Thái Lan, Lào, Indonexia, Philippin, Việt Nam và Campuchia đã chia sẻ về thực
trạng và chương trình giảng dạy tại mỗi nước.
Tiến sỹ Trần Thị Thu Thủy đã thuyết trình về việc áp dụng mô hình PBL trong giảng dạy tiếng Nhật tại trường Đại học Ngoại thương. Đây là mô hình giảng dạy mới, giúp học sinh có cơ hội được trải nghiệm môi trường làm việc thực tế tại các doanh nghiệp Nhật Bản, tìm hiểu những điểm mạnh và những điểm còn yếu cần được khắc phục của doanh nghiệp, đóng góp ý kiến để giúp doanh nghiệp hoạt động tốt và hiệu quả hơn. Mục tiêu cuối cùng của mô hình PBL là nâng cao khả năng tìm được việc làm phù hợp cho sinh viên cũng như nâng cao tỷ lệ tuyển dụng của các doanh nghiệp Nhật Bản. Nội dung này đã đi thẳng vào chủ đề chính của hội thảo và được đánh giá rất cao.
Trong phần “Panel Discussion“ với chủ đề về “Vai trò của ASCOJA để tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN và Nhật Bản trong việc nâng cao năng lực ngôn ngữ và hiểu biết văn hóa của giới trẻ các nước trong thế kỷ 21”, đại diện cho Việt Nam – Tiến sỹ Trần Thị Thu Thủy đã đưa ra ý kiến rằng: “Không chỉ hợp tác với Nhật Bản mà chính các nước ASEAN nên phát huy vai trò của ASCOJA, kết nối theo chiều ngang giữa các nước với nhau tạo ra sân chơi cho giới trẻ để nâng cao năng lực ngôn ngữ và hiểu biết văn hóa”. Ý kiến này đã được các nước đồng tình ủng hộ và Ông Jiro Sato, Tổng thư ký ASJA International đánh giá cao.
Có thể nói nước chủ nhà Thái Lan đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình từ khâu đón tiếp đại biểu các nước đến việc tổ chức các sự kiện và đặc biệt là buổi hội thảo. Sự nồng ấm, hiếu khách và sự chu đáo, chuyên nghiệp của các bạn Thái Lan đã để lại trong lòng những người tham dự kỷ niệm khó quên.

Ảnh chụp toàn đoàn tại “Welcome Dinner”

Ảnh chụp tại toàn đoàn tại Hội thảo
Ban truyền thông