Ngày 26/ 4/2024, Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (VAJA) với sự tài trợ và hợp tác của Quỹ Quốc tế Toshiba (Toshiba International Foundation – TIFO) đã tổ chức buổi báo cáo trực tuyến nhằm công bố và trình bày tóm tắt nội dung, kết quả nghiên cứu từ các báo cáo viên là các tiến sĩ trẻ đã nhận học bổng nghiên cứu sau tiến sĩ năm 2023 (chương trình Fellowship do TIFO tài trợ). Buổi báo cáo được thực hiện theo hình thức trực tuyến với hơn 40 người tham dự bao gồm lãnh đạo của TIFO, Ban Chấp hành VAJA, các báo cáo viên và một số đại biểu thuộc các Trường đại học nơi các tiến sĩ đang làm việc.
Việc hoàn thành các công trình nghiên cứu này là kết quả liên tục của việc hợp tác giữa VAJA và TIFO. Từ năm 2015, VAJA và TIFO đã ký kết hợp tác trong việc tuyển chọn, giới thiệu và hỗ trợ các nhà khoa học trẻ đã nhận bằng Tiến sĩ tại Nhật Bản và đã trở về nước công tác 5 năm, để quay trở lại Nhật Bản tiếp tục thực hiện các nghiên cứu ngắn hạn sau tiến sĩ. Trong năm tài khóa 2023, theo sự lựa chọn và giới thiệu của VAJA, đã có 4 tiến sĩ trẻ thuộc các tiêu chuẩn trên được TIFO mời sang Nhật Bản thực hiện các chương trình nghiên cứu ngắn hạn từ tháng 10 /2023 đến tháng 3 /2024. Ngoài các báo cáo của các tiến sĩ đã thực hiện các nghiên cứu lần này, VAJA cũng mời 2 tiến sĩ đã được thực hiện chương trình Fellowship trong các năm 2018 và 2019 cùng báo cáo công tác nghiên cứu là Nguyễn Huy Bình (Fellowship 2018) và TS Thân Thị Mỹ Bình (Fellowship 2019) cùng báo cáo công tác nghiên cứu và hoạt động tăng cường kết nối giữa các cơ quan, trường đại học cũng như mở rộng kết quả nghiên cứu đã được thực hiện của mình.
Tham dự buổi báo cáo có ông Oomori Keisuke – lãnh đạo Quỹ TIFO cùng ông Yamazaki – đại diện văn phòng TIFO, bà Ngô Minh Thuỷ – Chủ tịch VAJA, ông Phan Trung Nghĩa – Phó Chủ tịch/Tổng thư ký VAJA, ông Trần Xuân Nam – Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ VAJA và bà Nguyễn Huyền Trang – Phó Tổng thư ký VAJA.

Mở đầu Hội thảo là các phát biểu khai mạc của bà Ngô Minh Thủy – Chủ tịch VAJA và ông Oomori – đại diện Quỹ TIFO. Hai vị đại diện hai của hai tổ chức đã đề cao tính phong phú và thiết thực của các đề tài nghiên cứu của các Tiến sĩ trẻ đã có thời gian công tác thực tiễn. Chủ tịch VAJA Ngô Minh Thủy đã nêu bật tầm quan trọng của các chuyến “quay lại nước Nhật” của các tiến sỹ trẻ để thực hiện nghiên cứu, duy trì sự cộng tác và phối hợp của trưởng cũ, đồng thời cảm ơn Quỹ TIFO đã có những hỗ trợ to lớn cho VAJA nói chung và các tiến sỹ trẻ nói riêng. Sau phần khai mạc, ông Trần Xuân Nam, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ của VAJA đã tiến hành chủ trì các phần báo cáo của từng báo cáo viên.
Các lĩnh vực nghiên cứu của các tiến sỹ trẻ lần này gồm: tiếng Nhật, bảo tồn hệ sinh thái nông nghiệp, giao thông vận tải.
Mở đầu chương trình là báo cáo của Tiến sĩ Tạ Thanh Huyền, giảng viên khoa Tiếng Nhật, Đại học FPT, với đề tài “沈黙 (chinmoku) có phải là một thán từ hay không?”. Mục đích nghiên cứu: Rút ra những quy luật, quy định phổ quát ẩn chứa trong hiện tượng ngôn ngữ học của thán từ số nhiều. Một nghiên cứu đào sâu về hiện tượng ngôn ngữ học đến từ một người nước ngoài đối với công tác giảng dạy tiếng Nhật.

TS Huỳnh Quang Thiên – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật và TS Nguyễn Văn Sinh- cán bộ Trường Đại học Cần Thơ thực hiện nghiên cứu nhằm giải quyết mối quan hệ trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, với đề tài “Ứng dụng tre nền trong canh tác lúa không sử dụng hóa chất nông nghiệp: ảnh hưởng đến sự đa dạng của côn trùng” (TS Huỳnh Quang Thiên) và “Cải tiến phương pháp chẩn đoán giun tròn ký sinh trên cây lúa và cây cam quýt ở đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam” (TS Nguyễn Văn Sinh).


Về lĩnh vực giao thông vận tải, TS Bùi Tiến Thiêm, giảng viên khoa Kinh tế vận tải, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, đã trình bày kết quả nghiên cứu “Cách tiếp cận bậc hai đối với trạng thái cân bằng của người dùng ngẫu nhiên bán động với sự lan truyền dòng chảy dựa trên Phương pháp phân tích độ nhạy”. Đây là một trong những đề tài phục vụ mục đích dự báo khả năng và nhu cầu tổ chức giao thông trong những điều kiện ngẫu nhiên của mạng lưới giao thông.

Các đề tài đều được nghiên cứu trong sự hợp tác và tham khảo với một số Trường đại học liên quan của Nhật Bản cũng như các giáo sư đã từng giảng dạy các tiến sĩ trẻ. Điều này đã góp phần cho việc nghiên cứu và kết quả của các đề tài đạt được đúng các mục đích của chương trình Fellowship, góp phần tăng cường giao lưu trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và sự hiểu biết lẫn nhau, sự kết nối giữa các cơ sở đào tạo, nghiên cứu của Việt Nam và Nhật Bản.
Phần báo cáo của 2 tiến sĩ đã được thực hiện các chương trình Fellowship trước đây là TS Nguyễn Huy Bình (Fellowship 2018), giảng viên Đại học Y Hà Nội, Phó giám đốc Trung tâm ghép phổi, Bệnh viện Phổi trung ương; và TS Thân Thị Mỹ Bình (Fellowship 2019), Khoa Ngoại ngữ, Đại học Hạ Long. Các báo cáo của 2 TS “cựu sinh viên Fellowship” đã tập trung về giới thiệu các công trình nghiên cứu của mình từ khi tốt nghiệp tại Nhật Bản, cũng như mở rộng các kết quả nghiên cứu đã được khởi động từ các nghiên cứu theo học bổng Fellowship. Ngoài ra, các nội dung, chương trình giao lưu kết nối và phối hợp trong công tác nghiên cứu của các TS đối với các trường đại học và các thầy cô giáo cũ vẫn luôn được duy trì và phát triển, đã tạo nên mối quan hệ bền vững trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống của các cựu sinh viên đã học tập tại Nhật Bản và trưởng thành trong công tác tại Việt Nam.


Với các thành công liên tục của các Tiến sĩ trẻ đã tham gia học bổng Fellowship do TIFO tài trợ, sự phối hợp giữa VAJA và TIFO trong gần 10 năm qua đã mang lại hiệu quả lớn trong việc trao cho 24 tiến sĩ trẻ là cựu sinh viên tại Nhật Bản các cơ hội tăng cường nghiên cứu trong lĩnh vực hoạt động của mình, đồng thời tăng cường kết nối, phối hợp với các trường đại học Nhật Bản cũng như các thầy cô giáo cũ trong việc phát triển sự nghiệp, tăng cường tình hữu nghị vốn có giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực giáo dục. Bên cạnh đó, trong thời kỳ dịch bệnh COVID 19, TIFO đã tài trợ để VAJA tổ chức cho 30 tiến sỹ trẻ công bố nghiên cứu, xuất bản chính thức 2 tuyển tập nghiên cứu vào năm 2021 và 2022.
Kết quả của các chương trình Fellowship trong gần 10 năm qua càng củng cố sự tin tưởng vào sự phối hợp giữa Quỹ Quốc tế Toshiba cùng với VAJA trong việc tiếp tục tạo điều kiện cho các cựu sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, đặc biệt là các tiến sĩ có cơ hội trở lại Nhật Bản, tiếp tục nghiên cứu và đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam cũng như ngày càng phát triển tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản.