Ngày 22/12/2019, tại Trụ sở Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam tại Hà Nội, Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (VAJA – tên viết tắt tiếng Anh cũ là JAV) đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VII (2019-2024), nhằm thực hiện tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ VI (2016-2019), xây dựng phương hướng công tác nhiệm kỳ VII của CLB cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản cho phù hợp với tình hình mới của quan hệ Việt Nam – Nhật Bản; củng cố tổ chức, sửa đổi Điều lệ, bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ mới.


Trực tiếp tham dự Đại hội có gần 50 thành viên Câu lạc bộ. Đại hội đã được đón tiếp các vị khách quý của Đại sứ quán Nhật Bản; Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam; Hội hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.
Thay mặt Ban Chấp hành nhiệm kỳ VI, Chủ tịch Ngô Minh Thủy trình bày Dự thảo Báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ VI – Phương hướng hoạt động nhiệm kỳ VII. Báo cáo nêu rõ các điều kiện thuận lợi cơ bản của nhiệm kỳ diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác Việt – Nhật phát triển rất mạnh mẽ hướng tới kỷ niệm 45 năm hợp tác Việt – Nhật năm 2018, các quan hệ hợp tác trong giáo dục – đào tạo và phát triển nhân lực được chính phủ hai nước thúc đẩy và đạt được nhiều thành tựu; sự tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức cả từ phía Nhật Bản, các hội cựu lưu học sinh các nước Đông Nam Á đã tiến thêm một mức độ cao hơn trước; sự giúp đỡ và ủng hộ to lớn từ Đại sứ quán Nhật Bản, Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Trong điều kiện đó, Câu lạc bộ đã chủ động và phối hợp thực hiện các hoạt động đầy đủ theo Điều lệ, làm tốt vai trò chức năng thúc đẩy các hoạt động thiết thực hỗ trợ các học sinh, sinh viên Việt Nam đi học tập, nghiên cứu và giao lưu tại Nhật Bản với nhiều loại chương trình; làm tốt công tác tuyên truyền cho các học sinh, phụ huynh có nguyện vọng tham gia học tập và gắn kết với Nhật Bản; tham gia các Đại hội ASCOJA và các hoạt động khoa học công nghệ quốc tế. Với những hoạt động đa dạng đó Câu lạc bộ đã đóng góp lớn và hiệu quả vào công tác phát triển giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, làm tốt công tác ngoại giao nhân dân và tăng cường quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản và với các nước Đông Nam Á.


Nhiệm kỳ VI gắn với việc mở rộng các quan hệ hợp tác, có thêm nhiều đối tác và thực hiện thành công tất cả các hoạt động theo kế hoạch công tác đã đề ra cũng như các hoạt động bổ sung. Đặc biệt, ngoài những chương trình học tập- giao lưu- nghiên cứu tại Nhật Bản vẫn đang được triển khai thường niên, trong nhiệm kỳ này CLB đã thực hiện thêm được 2 chương trình dành cho học sinh Việt Nam với số lượng 19 em học sinh THPT tham gia chương trình JENESYS tại Nhật Bản và 12 em học sinh THPT sang Nhật Bản tham gia chương trình Kakehashi (Chương trình cầu nối, học tập, homestay từ 6 đến 10 tháng tại Nhật Bản). CLB cũng đã ký kết thực hiện thêm một số hoạt động mới như xây dựng chương trình và chắp nối/ hỗ trợ cho đoàn công tác của cán bộ Việt Nam đi tập huấn tại Nhật Bản; hợp tác thực hiện thành công chương trình thực tập tại Nhật Bản cho hơn 50 sinh viên đại học. Một cách tổng quát, nhiệm kỳ VI là một nhiệm kỳ thành công. BCH Câu lạc bộ đã khắc phục khó khăn về nhân lực và về kinh phí hoạt động, với sự nỗ lực của các thành viên tích cực trong CLB, đặc biệt là của các anh, chị trong BCN, đã duy trì được các hoạt động đối ngoại tốt, tạo được uy tín ở Đông Nam Á và Nhật Bản. Số lượng hội viên chính thức của CLB cũng tăng lên con số sấp xỉ 2000 (so với con số 1600 hội viên đầu nhiệm kỳ VI). Trong 3 năm của Nhiệm kỳ VI, CLB cũng đã tổ chức được 3 đoàn tham dự các đại hội ASCOJA 23, 24, 25 tại Brunei, Campuchia và Lào với số lượng từ 20-30 thành viên mỗi đoàn.
Tuy vậy, với đặc điểm BCH Câu lạc bộ là sự gắn kết đa dạng về nhân sự là những cán bộ tham gia công tác quản lý tại các cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp khác nhau, và tính chất hoạt động là kiêm nhiệm/ tình nguyện nên bên cạnh những thành công lớn như trên, vẫn còn một số tồn tại cần được điều chỉnh trong hoạt động nhiệm kỳ tới như: chưa có nhiều hoạt động ngoài lĩnh vực giáo dục, đào tạo thu hút thêm sự tham gia của nhiều thành viên cựu lưu học sinh; mức độ hoạt động của các thành viên BCH chưa đều, kế hoạch hoạt động hướng tới gia đình của thành viên CLB chưa thực hiện được.
Về Phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ VII, BCH đã đề ra 2 nhóm nhiệm vụ chủ yếu với các nội dung hoạt động cụ thể và vừa có tính sâu sắc, vừa phong phú hơn một bước so với các nội dung hoạt động nhiệm kỳ VI như: nâng mức chuyên nghiệp hơn trong hoạt động văn phòng, tăng cường các hoạt động khoa học công nghệ, mở rộng hoạt động tới các đối tượng trong lĩnh vực kinh tế như các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp Nhật Bản hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ với Nhật Bản…Đặc biệt, trong Nhiệm kỳ VII, CLB có kế hoạch triển khai các hoạt động tại Nhật Bản hướng tới đối tượng là các lưu học sinh đã tốt nghiệp nhưng ở lại hoạc quay lại Nhật Bản làm việc, đồng thời hỗ trợ cho các em học sinh – sinh viên đang học tập tại Nhật Bản.
Trải qua 18 năm thành lập với 6 kỳ Đại hội, Đại hội lần này cũng được ghi nhận sự đổi mới với việc sửa đổi một số chi tiết của Điều lệ hoạt động của Câu lạc bộ cho phù hợp với tình hình mới: thay đổi tên viết tắt tiếng Anh thành VAJA; nhiệm kỳ của Đại hội được thực hiện theo thời hạn 5 năm; số lượng thành viên BCH tăng từ 35 lên 36 người và dự kiến sẽ bổ sung thêm 1 người trong thời gian tới.

Tại phần phát biểu của các Đại biểu khách mời với Đại hội, thay mặt Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam phát biểu chỉ đạo Đại hội, ông Bùi Khắc Sơn, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, đã đánh giá cao những cố gắng của Câu lạc bộ trong nhiệm kỳ qua trong hoạt động thực hiện tốt vai trò chức năng của Câu lạc bộ, nhất trí với các nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ. Thay mặt Đại sứ quán Nhật Bản, bà Chuman Ai, Bí thư thứ hai, đã nhiệt liệt hoan nghênh các đóng góp của Câu lạc bộ với các hoạt động văn hóa, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, tăng cường tình hữu nghị Việt-Nhật của Đại sứ quán Nhật Bản trong nhiệm kỳ qua. Thay mặt Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, ông Phạm Tất Thắng-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng đã dành những lời tốt đẹp đánh giá cao ý nghĩa các hoạt động của Câu lạc bộ trong việc thúc đẩy các hoạt động văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ.



Nhân dịp này, để ghi nhận những đóng góp tích cực của các thành viên cho CLB trong nhiệm kỳ VI, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tặng Kỷ niêm chương cho Phó chủ tịch CLB Đinh Thị Bích Lân và Phó chủ tịch/ Tổng thư ký Phan Trung Nghĩa. Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản cũng tặng bằng khen cho CLB và 4 cá nhân tiêu biểu là thành viên Ban chấp hành CLB đã có những đóng góp tích cực cho hoạt động của CLB và tình hữu nghị Việt – Nhật là bà Thân Thị Kim Tuyến, bà Huỳnh Vũ Hiền, ông Nguyễn Xuân Oanh và bà Nguyễn Huyền Trang. Ông Bùi Khắc Sơn, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản đã thay mặt Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản trao tặng các danh hiệu vinh dự này cho tập thể và các cá nhân của CLB. Chủ tịch Ngô Minh Thủy thay mặt BCH CLB đã tặng hoa và quà lưu niệm cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ trong nhiệm kỳ qua tới các vị đại diện Đại sứ quán Nhật Bản, Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt-Nhật.


Các đại biểu tham dự đại hội đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến với Báo cáo của Đại hội, thông qua các nội dung sửa đổi Điều lệ và thông qua nghị quyết với các nội dung chính trong phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2019-2024. Với sự nhất trí hoàn toàn của các đại biểu, Đại hội đã hoàn thành công tác hiệp thương bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ VII gồm 36 thành viên với thành phần bảo đảm chất lượng hoạt động của BCH trong nhiệm kỳ tới. Chủ tịch Ngô Minh Thủy đã tiếp tục được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Câu lạc bộ trong nhiệm kỳ 2019-2024.
Với sự ủng hộ và giúp đỡ của các cơ quan quản lý, của Đại sứ quán Nhật Bản và sự quan tâm sâu sắc của các đại biểu tới hoạt động của Câu lạc bộ, Đại hội nhiệm kỳ VII của Câu lạc bộ đã thành công tốt đẹp, mở ra nhiều hứa hẹn về phát huy những thành công, kinh nghiệm của nhiệm kỳ qua, phấn đấu đem tới những thành công lớn trong hoạt động của nhiệm kỳ 5 năm tới 2019 – 2024. Nhiệm kỳ VII sẽ gắn với 3 sự kiện lớn mà CLB quyết tâm thực hiện xuất sắc là: 1) Kỷ niệm 20 năm thành lập ASJA International tại Nhật Bản (2020), 2) Đại hội ASCOJA lần thứ 29 được tổ chức tại Việt Nam (2023) và 3) Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973-2023.)

Danh sách Ban Chấp Hành nhiệm kì VII (2019-2024)
TT | Họ tên | Chức vụ, nơi làm việc | Nhiệm vụ |
1 | Bà Ngô Minh Thủy | PGS.TS, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản | Chủ tịch |
2 | Ông Trần Văn Nam | GS.TS, Chủ tịch Hội đồng trường, Đại học Đà Nẵng Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản TP. Đà Nẵng | Phó chủ tịch |
3 | Ông Lê Việt Dũng | PGS.TS, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Cần Thơ Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản TP. Cần Thơ | Phó chủ tịch |
4 | Bà Đinh Thị Bích Lân | PGS.TS, Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao Công nghệ, Đại học Huế | Phó chủ tịch |
5 | Ông Hoàng Văn Nhận | Hội trưởng FVAJA, Trưởng đại diện ĐH Kyushu Hà Nội, Ủy viên BCH Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản | Phó chủ tịch |
6 | Ông Tạ Anh Thắng | Giám đốc Công ty XK Lao động,Thương mại Du lịch, Ủy viên BCH Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản | Phó chủ tịch |
7 | Ông Phan Trung Nghĩa | PGS.TS,Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Cao su, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Chủ tịch phân Hội VAJA – Niigata Alumni | Phó chủ tịch/ Tổng thư ký |
8 | Bà Nguyễn Huyền Trang | Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội | Phó tổng thư ký |
9 | Ông Nguyễn Tô Chung | PGS.TS , Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Hà Nội, Phó Trưởng ban, Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo | Trưởng ban Đối ngoại |
10 | Bà Huỳnh Vũ Hiền | Ban văn hóa Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam | Trưởng ban TTTT |
11 | Ông Trần Xuân Nam | GS.TS, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc Phòng | Trưởng ban KHCN |
12 | Ông Nguyễn Hoàng Oanh | TS, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật Đại học Quốc gia Hà Nội | Trưởng ban VHGD |
13 | Bà Thân Thị Kim Tuyến | Chủ tịch Công đoàn Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội | Trưởng ban Tài chính |
14 | Ông Lều Thọ Bách | PGS.TS, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học & Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội | Ủy viên |
15 | Ông Nguyễn Huy Bình | TS, Phó trưởng Bộ môn Sinh lý học ,Trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế | Ủy viên |
16 | Ông Hoàng Thăng Bình | TS, Giảng viên Viện Cơ khí Động lực, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội | Ủy viên |
17 | Bà Vương Linh Chi | Trợ lý Chương trình Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam | Ủy viên |
18 | Ông Phạm Xuân Đà | PGS.TS, Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ | Ủy viên |
19 | Ông Nguyễn Mạnh Đạt | TS, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Enzyme và Protein,Viện Công nghệ Thực phẩm, Bộ Công thương | Ủy viên |
20 | Ông Phạm Minh Đức | PGS.TS, Phó trưởng Ban Quản lý Dự án Nâng cấp,Trường Đại học Cần Thơ | Ủy viên |
21 | Ông Vũ Tiến Hân | Phó Vụ trưởng Vụ Trung Quốc – Đông Bắc Á Ban Đối ngoại Trung Ương | Ủy viên |
22 | Bà Đoàn Thị Thu Hòa | Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển giáo dục GBN | Ủy viên |
23 | Ông Huỳnh Trọng Hiền | TS, Trưởng khoa Nhật Bản học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn,Đại học Quốc gia TP. HCM | Ủy viên |
24 | Ông Phạm Hồng Long | PGS.TS, Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội | Ủy viên |
25 | Ông Phạm Phương Nam | Hội trưởng CLB Cựu sinh viên du học Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh | Ủy viên |
26 | Ông Đặng Quý Nhân | TS, Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn | Ủy viên |
27 | Bà Nguyễn Cẩm Nhung | TS, Trưởng phòng Nghiên cứu KH và Hợp tác phát triển; Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội | Ủy viên |
28 | Bà Đỗ Hoàng Ngân | PGS.TS, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng khoa học công nghệ , Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội | Ủy viên |
29 | Ông Nguyễn Hữu Ngữ | PGS.TS, Trưởng khoa Tài nguyên đất và Môi trường ,Trường Đại học Nông – Lâm Huế | Ủy viên |
30 | Ông Đinh Nho Thái | TS, Phó phòng Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội | Ủy viên |
31 | Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy | Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá Giáo dục Việt Nam – Nhật Bản, Bộ Khoa học và Công nghệ | Ủy viên |
32 | Bà Trần Thị Thu Thủy | TS, Trưởng khoa Tiếng Nhật, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội | Ủy viên |
33 | Ông Nguyễn Mạnh Toàn | PGS.TS, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng ,Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng | Ủy viên |
34 | Ông Lê Quốc Tiến | PGS.TS, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, Phó chủ tịch Hội HN ViệtNam-Nhật Bản TP. Hải Phòng | Ủy viên |
35 | Ông Nguyễn Xuân Phương | Thành viên Hội đồng Quản trị, Chủ tịch Công đoànCông ty Tín hiệu đường sắt Hà Nội | Ủy viên |
36 | Ông Đỗ Ngọc Sơn | TS. Phó Trưởng khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế | Ủy viên |
Danh sách này gồm có 36 người ./.