Ngày 22/3, tại Hà Nội, Hội Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản- cơ quan chủ quản của Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt nam tại Nhật Bản (VAJA) đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026, theo cả hai hình thức tập trung và trực tuyến, nhằm thực hiện tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ VI (2015-2021), xây dựng phương hướng công tác nhiệm kỳ VII của Hội Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản; củng cố tổ chức, bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ mới.

Gần 150 đại biểu, đại diện cho các tỉnh/thành Hội, các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội trên toàn quốc, nhân sĩ, trí thức, doanh nghiệp… tham dự Đại hội theo hình thức tập trung và trực tuyến.

Đại hội đã được vinh dự đón các vị đại biểu khách quý: bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản; ông Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Lê Hoài Trung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; ông Bùi Thanh Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Bùi Văn Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; bà Phạm Thị Thanh Trà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ; ông Hồ Đức Phớc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; ông Nguyễn Kim Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Quang Dương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương; ông Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; và một số đại diện khác của lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; đại diện Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo một số địa phương.
Về phía Nhật Bản, tham dự Đại hội có ông Yamada Takio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; ông Takebe Tsutomu, Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật – Việt (tham dự trực tuyến từ Nhật Bản); Trưởng Đại diện các cơ quan, tổ chức của Nhật Bản tại Việt Nam gồm: Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Trung tâm giáo lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam thuộc Quỹ giao lưu Quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation), Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Hãng hàng không Nhật Bản (All Nippon Airways- ANA).
Đại hội cũng được vinh dự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Phạm Minh Chính.
Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hội khóa VI nhiệm kỳ 2015 – 2021 Tô Huy Rứa khẳng định, mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở thời điểm rực rỡ nhất. Hai nước phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế, khu vực, nhất là tại Liên hiệp quốc và ASEAN; thúc đẩy liên kết kinh tế, ký Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP). Nhật Bản là nơi cộng đồng 450.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc, trong đó số lượng thực tập sinh tăng lên nhanh chóng gấp gần 10 lần so với năm 2012 với hơn 200.000 người, đứng đầu số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản so với các nước khác. Chủ tịch cũng nhấn mạnh vai trò của hoạt động ngoại giao nhân dân ‘là không hề nhỏ” trong sự nghiệp phát triển đất nước theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, đồng thời nêu rõ chủ trương mở rộng tổ chức đối với các Hội Hữu nghị tại các tỉnh, thành phố.

Đại hội đã được nghe Báo cáo Tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ VI (2015-2021). Báo cáo nêu rõ trên cơ sở các điều kiện thuận lợi cơ bản của nhiệm kỳ diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác Việt – Nhật phát triển rất mạnh mẽ nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam -Nhật Bản, Hội Hữu nghị Việt – Nhật đã chủ động tích cực thực hiện nhiều hoạt động phong phú đóng góp vào các lĩnh vực như giao lưu chính trị, hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, đẩy mạnh các hình thức hoạt động ngoại giao nhân dân, góp phần đáng kể vào việc củng cố và tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước và sự hợp tác Việt Nam – Nhật Bản.
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản- nêu rõ: Đại hội được tổ chức trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp, toàn diện và thực chất với sự tin cậy cao; Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đối tác lớn nhất về hợp tác viện trợ phát triển chính thức (ODA), nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2, đối tác thứ 3 về du lịch và thứ 4 về thương mại. Bên cạnh đó, hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, quốc phòng an ninh, phát triển nguồn nhân lực, ứng phó biến đổi khí hậu, hợp tác giữa các địa phương đạt nhiều kết quả tích cực thông qua nhiều cơ chế quan trọng, cũng như tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương của Liên hợp quốc, ASEAN, APEC… Hai nước cũng đã hợp tác trong việc phòng, chống, giảm thiểu những hậu quả của đại dịch COVID-19 đạt được nhiều kết quả. Đặc biệt, bà Trương Thị Mai cũng biểu dương và nhấn mạnh vai trò của những nỗ lực đóng góp không ngừng trong nhiều năm qua của Hội Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản trong việc phát triển các tiềm năng, cơ hội để tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn tình hữu nghị và sự tin cậy giữa Việt Nam và Nhật Bản. Bà Trương Thị Mãi cũng chỉ ra các thế mạnh về nhân lực của Hội và đề nghị phát huy các thế mạnh đó trong việc thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và Nhật Bản, nhất là về công nghệ cao, y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… Nhân dịp này, Bà Trương Thị Mai đã thay mặt Chính phủ, trao tặng Hội Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ vừa qua.


Phát biểu chúc mừng đại hội, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio khẳng định quan hệ hai nước được đánh giá là “ẩn chứa tiềm năng vô hạn,” và đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn quan trọng để phát triển mạnh mẽ hơn. Đại sứ đã đánh giá, từ mối quan hệ tin cậy giữa các cấp lãnh đạo chính trị và kinh tế cho tới giao lưu nhân dân, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước đã được xây dựng trên mọi lĩnh vực, mọi cấp độ và được kế thừa qua các thế hệ. Trong đó, Hội Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản đã đóng vai trò to lớn, góp phần duy trì và tăng cường quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Đại hội đã tổ chức bầu theo hình thức hiệp thương Ban Chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản Khóa VII (nhiệm kỳ 2021- 2026) gồm 62 Ủy viên; bầu Ban kiểm tra gồm 3 ủy viên. Tại Hội nghị lần thứ I của Ban chấp hành Khóa VII, các ủy viên Ban chấp hành đã bầu ra Ban thường vụ gồm 17 ủy viên, Chủ tịch và 5 Phó Chủ tịch Hội. Tổng Thư ký Hội. Ông Tô Huy Rứa, nguyênỦy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản khóa VI được tín nhiệm tái cử chức vụ Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản. Các Phó chủ tịch Hội khóa VII gồm: 1) Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Chủ tịch Hội người Việt Nam ở nước ngoài, Phó Chủ tịch Hội khoá VI; 2) Ông Đoàn Xuân Hưng, – nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản; Phó Chủ tịch Hội khoá VI; 3) Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội khoá VI; 4) Ông Bùi Khắc Sơn, nguyênPhó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội khoá VI; 5) Bà Ngô Minh Thủy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ Đại học quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Câu lạc bộ cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, Phó Chủ tịch Hội khoá VI.
PGS.TS. Ngô Minh Thủy – Chủ tịch VAJA đã tham gia Ban chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản từ nhiệm kỳ V (2006- 2015), tham gia Thường vụ Ban chấp hành Hội từ năm 2010 và được bầu làm Phó Chủ tịch Hội từ nhiệm kỳ VI (năm 2015- 2021). Việc Chủ tịch VAJA được tiếp tục tín nhiệm, được bầu tái nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội nhiệm kỳ VII chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy và làm hiệu quả hơn nữa đóng góp của VAJA đối với sự nghiệp hợp tác Việt- Nhật.
Phó Chủ tịch VAJA Hoàng Văn Nhận tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản khóa VII; Phó Chủ tịch VAJA Phan Trung Nghĩa cũng được bầu vào Ban chấp hành Hội tại Đại hội lần này.

Tại phần tham luận, Đại hội đã nghe các báo cáo tham luận nhiều báo cáo tham luận sâu sắc và thiết thực về hợp tác Việt – Nhật. Ông Nguyễn Phú Bình, Phó Chủ tịch Hội khoá VI trình bày tham luận với chủ đề: “Vai trò của giao lưu văn hoá- nghệ thuật và nhân tố văn hoá- lịch sử trong quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước”. Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nhật thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch VAJA, tham luận với chủ đề: “Hoạt động đối ngoại nhân dân của Hội hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản TP. Đà Nẵng góp phần tăng cường và củng cố tình hữu nghị Việt – Nhật”. Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đàu tư tham luận với chủ đề: “Quan hệ hợp tác phát triển, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản”. Ông Lê Viết Dũng Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nhật thành phố Cần Thơ, Phó Chủ tịch VAJA cũng đóng góp tham luận cho Đại hội với chủ đề: “Quan hệ hợp tác phát triển, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản”.
Bà Ngô Minh Thủy – Chủ tịch Câu lạc bộ Cựu Lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (VAJA), Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nhật nhiệm kỳ VI – đã trình bày báo cáo tham luận “Những thành tựu và triển vọng về đóng góp của Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực hợp tác giáo dục Việt – Nhật”. Bài tham luận của bà Ngô Minh Thủy gồm 3 nội dung: 1) Những yếu tố thuận lợi đối với hợp tác giáo dục Việt – Nhật; 2) Tóm tắt một số thành quả trong hợp tác Việt Nhật mà Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản đã đạt được. 3) Những triển vọng về đóng góp của Hội đối với lĩnh vực này trong tương lai. Báo cáo tham luận của bà Ngô MinhThủy nêu rõ: “Là một cơ quan xúc tiến các hoạt động ngoại giao nhân dân, trong suốt những năm qua, Hội Hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản đã chú trọng đến các hoạt động hỗ trợ, phát triển hợp tác giáo dục Việt – Nhật, trong đó có những hoạt động như chắp nối hợp tác cho các cơ quan giáo dục hai nước, hỗ trợ cho các chương trình hoạt động về văn hóa- giáo dục, kêu gọi hỗ trợ, tài trợ học bổng cho học sinh- sinh viên. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động của Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (một tổ chức trực thuộc Hội), Hội đã có những đóng góp cụ thể, trực tiếp và thiết thực vào hoạt động hợp tác giáo dục giữa hai nước.”

Báo cáo của Chủ tịch VAJA Ngô Minh Thủy đã góp phần làm rõ thêm những yếu tố thuận lợi đối với hợp tác giáo dục Việt- Nhật, khẳng định hoạt động hợp tác Việt – Nhật về giáo dục đang được thực hiện trong bối cảnh thuận lợi chưa từng có. Báo cáo đã nêu bật các hoạt động nổi bật và hiệu quả của VAJA bao gồm:
- Tổ chức các hoạt động thường kỳ về tuyển chọn, giới thiệu học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh tham gia các khóa tham quan, học tập ngắn hạn và dài hạn tại Nhật Bản, chủ yếu theo các chương trình do Chính phủ Nhật Bản đài thọ.
- Phối hợp với một số trường đại học Việt Nam và một số tổ chức của Nhật Bản để hỗ trợ thực hiện các chương trình internship cho hàng trăm sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản trong giai đoạn 2016-2019.
- Phối hợp cùng với một sô tổ chức của Nhật Bản thực hiện chương trình hỗ trợ học bổng nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu trẻ, chương trình giao lưu tại Nhật Bản cho giáo viên và học sinh Việt Nam.
- Hỗ trợ một số cơ quan Việt Nam thực hiện chương trình học tập thực địa ngắn hạn tại Nhật Bản.
- Phối hợp với Tổ chức Hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO) thuộc Bộ Giáo dục và Khoa học Nhật Bản để tổ chức các Hội thảo Giáo dục Nhật Bản thường niên tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh.
- Hằng năm tổ chức các đoàn đại biểu từ 20 đến 30 thành viên sang các nước Đông Nam Á để tham dự hoạt động thường niên của các hội cựu lưu học sinh các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản, tham dự và báo cáo tại các diễn đàn, các hội thảo chuyên đề.
- Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan Nhật Bản, Việt Nam và các nước Đông Nam Á để tổ chức các hội thảo chuyên đề với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
- Phối hợp với các cơ quan Việt Nam và các cơ quan Nhật Bản tại Việt Nam để tổ chức một số hoạt động giao lưu- hợp tác và đón tiếp các đoàn khách Nhật Bản sang Việt Nam.
Báo cáo cũng đã nêu ra những con số cụ thể về hiệu quả hoạt động của VAJA dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Hội Hữu nghị Việt – Nhật và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Trên cơ sở các thành tích và kinh nghiệm hoạt động trên, Báo cáo tham luận của Chủ tịch Ngô Minh Thủy cũng đề xuất với Đại hội về việc duy trì và phát huy các hoạt động hợp tác giáo dục Việt- Nhật mà Hội nói chung và VAJA nói riêng đang thực hiện, đồng thời đưa ra 8 nội dung hoạt động mới mà Hội có thể thực hiện để Hội Hữu nghị Việt – Nhật có thể đóng góp tốt hơn nữa đối với sự nghiệp hợp tác giáo dục giữa hai nước từ góc độ ngoại giao nhân dân trong thời gian tới.
Đại hội VII đã diễn ra theo đúng kế hoạch và thành công tốt đẹp. Trong lời phát biểu bế mạc Đại hội, Chủ tịch Tô Huy Rứa đã chân thành cảm ơn các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã quan tâm lãnh đạo; sự phối hợp hiệu quả của các tổ chức đối tác của Nhật Bản cũng như các bộ, ban, ngành với Hội; và xin hứa sẽ đoàn kết nhất trí, hăng hái phần đấu, hoàn thành nhiệm vụ như Nghị quyết Đại hội VIII nhiệm kỳ 2021-2026 đã đề ra./.
Xem thêm một số hình ảnh về Đại hội VII tại đây:

