Trong lịch sử lâu dài của nhiều quốc gia, dân tộc, những làn điệu dân ca luôn là những phương tiện bền vững truyền tải sự phản ánh đời sống lao động, tinh thần, tình yêu quê hương đất nước và con người của mỗi cộng đồng trong suốt chiều dài lịch sử với những nét đặc trưng của mình.
Không những vậy, dân ca còn là những sợi dây vô hình bền chặt cố kết tình cảm cộng đồng trường tồn theo thời gian. Việc nghiên cứu, sử dụng, truyền tải dân ca trong nước vốn đã mang một ý nghĩa lớn, cho nên việc nghiên cứu, thưởng thức và truyền tải những làn điệu dân ca của những dân tộc bạn bè càng có ý nghĩa lớn lao trong việc nâng cao tầm hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị vốn có giữa các quốc gia, dân tộc.
Khai thác khía cạnh này và nhằm thực hiện một nội dung lớn trong Năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, Viện Nghiên cứu phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (CLEF) đã khởi xướng, với sự hợp tác của Hội Giao lưu Văn hóa Việt – Nhật, sự phối hợp của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản) và sự đồng hành của Công ty Acecook Việt Nam, đã tổ chức Cuộc thi “Dịch dân ca Việt – Nhật 2023” và Liên hoan Dân ca Việt – Nhật nhằm góp phần quảng bá âm nhạc truyền thống của Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời góp phần thúc đẩy, tăng cường giao lưu văn hoá giữa hai quốc gia.
Buổi Lễ Kết thúc và Trao giải cuộc thi và Liên hoan Dân ca Việt – Nhật đã được tổ chức đồng thời trong buổi tối ngày 28/10/2023 tại Viện Âm nhạc Việt Nam (Hà Nội), đã mang lại nhiều cảm xúc vừa quen thuộc vừa mới mẻ cho nhiều người tham dự. Đây là một chương trình đặc biệt để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản. Với việc
giới thiệu, trình diễn một số gồm 6 bài dân ca Việt Nam và 6 bài dân ca Nhật Bản bằng cả hai thứ tiếng đối với mỗi bài, đồng thời sử dụng đúng giai điệu của bài gốc, Liên hoan dân ca Việt – Nhật đã cho thấy một cách sinh hoạt giao lưu văn hóa vô cùng đặc sắc và công tác tổ chức rất công phu, với sự quan tâm sâu rộng và cụ thể của nhiều cơ quan, tổ chức và các cá nhân là dịch giả, nghệ sĩ, những người yêu thích văn hóa dân gian của cả hai nước và tâm huyết đối với việc truyền tải loại hình nghệ thuật này cả ở Việt Nam và Nhật Bản.

Bài phát biểu khai mạc của PGS, TS Ngô Minh Thủy, Viện trưởng Viện CLEF, cho thấy, ngoài cơ quan chủ trì tổ chức là Viện CLEF, với sự hợp tác của Hội Giao lưu Văn hóa Việt – Nhật, sự phối hợp của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản) và sự đồng hành của Công ty Acecook Việt Nam, Liên hoan dân ca Việt – Nhật đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ mọi mặt của Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tại VN, sự phối hợp của Hội Hữu nghị Việt – Nhật, Trường Đại học Việt – Nhật và Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản.

Các bài dân ca từ nhiều vùng của Việt Nam gồm: “Gà gáy le te”, “Đi cấy”, “Ru con Nam Bộ”, “Trống cơm”, “Bèo dạt mây trôi”, và “Về đây anh hỡi”, đã được trình diễn xen kẽ với các bài dân ca Nhật Bản gồm: “Hoa anh đào”, “Thợ mỏ than đảo Kyushu”, “Hò đánh cá”, “Hái hồng hoa”, “Asadoya Yunta”, và “Cắt cỏ tranh”.


Trong phần giới thiệu về kết quả cuộc thi “Dịch dân ca Việt – Nhật 2023” do Tiến sĩ Ngô Tự Lập, Trưởng ban tổ chức cuộc thi trình bày đã nêu rõ: Để có được nội dung trình bày các bài dân ca trên trong buổi Liên hoan, Cuộc thi “Dịch dân ca Việt – Nhật 2023” đã được Viện CLEF khởi xướng tổ chức với mục tiêu của cuộc thi là chọn được bản dịch hay nhất của 1 bài dân ca Việt
Nam “Bèo dạt mây trôi” sang tiếng Nhật và 1 bài dân ca Nhật Bản “Sakura sakura” sang tiếng Việt. Việc lựa chọn hai bài dân ca này cho cuộc thi đã được Hội đồng cố vấn gồm ông Doi Katsuma, Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam; ông Lê Ngọc Định, Chủ tịch Hội Giao lưu văn hóa Nhật – Việt; bà Ngô Minh Thủy, Viện trưởng CLEF; ông Nguyễn Thắng, Nhạc sĩ, Đài tiếng nói Việt Nam và ông Ngô Tự Lập, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện CLEF, trưởng ban; cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên chủ đề, tính phổ biến và nhất là tính đại diện cho hai nền văn hóa.

Cuộc thi dành cho mọi người, không phân biệt độ tuổi, giới tính và quốc tịch, và mỗi người có thể tham gia dịch một hoặc cả hai bài hát. Bắt đầu nhận bài từ 15/05/2023 đến hết ngày 20/09/2023. Kết quả, Ban Tổ chức đã nhận được tổng số 124 bài dự thi gồm 52 bản dịch bài “Bèo dạt mây trôi” sang tiếng Nhật và 72 bản dịch bài “Sakura, sakura” sang tiếng Việt.
Ban Giám khảo gồm các chuyên gia văn hoá, ngôn ngữ, nhạc sĩ, nhà thơ của Việt Nam và Nhật Bản đã tiến hành chấm qua 2 vòng Sơ khảo và Chung khảo. Hội đồng Sơ khảo với 5 thành viên đã chọn được 10 bản dịch tốt nhất để đưa vào vòng Chung khảo. Hội đồng Chung khảo gồm 10 thành viên, với sự đánh giá công tâm và nghiêm túc, đã lựa chọn được một giải nhất, một giải nhì, một giải ba cho hạng mục dịch bài dân ca Việt Nam “Bèo dạt mây trôi” sang tiếng Nhật; và một giải nhì, hai giải ba cho hạng mục dịch bài dân ca Nhật Bản “Sakura, sakura” sang tiếng Việt (không có giải nhất cho việc dịch bài dân ca tiếng Nhật này).