Những chia sẻ về trận động đất tại Kumamoto Nhật Bản 2016
Nhật Bản nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương nên thường xuyên phải hứng chịu các trận động đất. Vị trị địa lý của Nhật Bản khiến nước này là một trong những quốc gia xảy ra nhiều thiên tai nhất thế giới. Hai mối đe dọa nghiêm trọng nhất là động đất và sóng thần. Mỗi năm Nhật Bản phải chịu 7500 trận động đất nhẹ, riêng Tokyo có đến 150 trận. Hầu hết các trận động đất này quá nhẹ, không thể nhận ra, nhưng cũng có những trận động đất rất mạnh. Từ trận động đất Kanto chết chóc năm 1923, tới nay Nhật Bản đã phải trải qua 17 vụ động đất và sóng thần. Vụ sóng thần khủng khiếp gần đây nhất xảy ra ngày 11 / 03 / 2011 là hậu quả của trận động đất ngầm ngoài khơi Tohoku của Nhật Bản mạnh 9 độ richte, sóng thần cao nhất là 39m, đánh vào ven bờ Sendai làm cho cả thành phố và các khu vực xung quanh bị thiệt hại nặng nề, làm gần 16.000 người chết, hơn 6.000 người bị thương và hơn 2.600 người mất tích, đồng thời gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986.
Vào lúc 1g:25’ ngày 16/4/2016, một trận động đất 7,3 độ richter bên dưới Kumamoto, trên đảo Kyushu ở phía tây nam Nhật Bản, xảy ra như là kết quả đứt gãy địa chất ở độ sâu nông, tổn thất về người và của đã tăng lên đáng kể xảy ra ở khu vực tỉnh Kumamoto từ trận động đất ngày 14/4 với 6,4 độ richter; 14 trận động đất, với chấn động mạnh và thiệt hại cũng được ghi nhận về về phía đông như thành phố Beppu tỉnh Oita. Hai trận động đất đã làm chết ít nhất 42 người, khoảng 3.000 người bị thương, gây thiệt hại nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng Kumamoto. Cảnh sát đã nhận được hơn 300 cuộc gọi ở Kumamoto và 100 cuộc gọi tại tỉnh Oita từ người dân cần được giúp đỡ; nhiều người đã bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Hơn 91.700 người đã phải di tản khỏi khu vực này để tránh thảm họa.
Mặc dù là tâm điểm tiền chấn của trận động đất xảy ra ở độ sâu 12 km bên dưới núi Kinpu phía Bắc – Tây Bắc trung tâm thành phố Kumamoto, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ở phía đông Kumamoto, vùng ngoại ô của Mashiki, nơi tiền chấn của trận động đất làm nhiều người chết. Các trận động đất được cảm nhận dữ dội xa đến cả Shimonoseki về phía bắc, ở phía tây nam của đảo Honshu, và phía nam xa đến cả thành phố Kirishima thuộc tỉnh Kagoshima. Vài giờ sau, đã có ít nhất 11 cơn dư chấn với cường độ ít nhất là 4,5 độ richter, một trong số đó có cường độ 6; hơn 140 cơn dư chấn đã được ghi nhận trong vòng hai ngày. Đây là trận động đất đầu tiên xảy ra trên đảo Kyushu ghi nhận có cường độ trên 7 độ richter. Nhật Bản huy động thêm 1.600 binh lính thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản để tham gia các nỗ lực cứu trợ sau trận động đất.
Một trong những hậu quả sau các đợt rung chấn là toàn bộ thành phố Kumamoto bị mất nước. Tất cả các cư dân của Nishihara , Kumamoto đã được sơ tán vì lo ngại một con đập gần đó có thể bị vỡ. Sân bay Kumamoto đóng cửa với thông báo khẩn cấp cho các chuyến bay đến. Nhiều đợt sạt lở đất diễn ra trên núi Kyushu. Dịch vụ tàu điện ngầm Kyushu Shinkansen đã ngưng sau khi một đoàn tàu bị trật bánh do trận động đất. Tổn thất cơ sở hạ tầng nặng nề, nhiều ngôi nhà sụp đổ, cháy, đường xá bị phá hỏng và sụt lún. Một bệnh viện 500 giường ở Kumamoto đã đổ sập, buộc phải di tản tất cả các bệnh nhân. Sự cố rò rỉ khí tự nhiên của Saibu Gas khiến cho việc cung cấp nhiên liệu đến các hộ gia đình bị ngưng trệ.
Cầu Aso trên quốc lộ 325 ở Minamiaso đã đổ sập xuống sông Kurokawa. Đền Aso cũng đã bị hư hỏng nặng nề trong trận động đất. Cả rōmon (cổng tháp), vốn được chính phủ Nhật Bản xếp hạng chính thức là một Tài sản văn hóa trọng yếu quốc gia, và haiden (điện thờ) của đền đều bị phá hỏng hoàn toàn. Lâu đài Kumamoto, một Tài sản văn hóa trọng yếu khác cần được bảo tồn đã bị thiệt hại phần mái, tường và công sự bao bọc bên ngoài. Nhiều bức tượng trang trí shachihoko trên mái lâu đài bị hư hại nặng, và một lượng lớn gạch lợp mái kawara bị rơi trượt. Lâu đài Kumamoto là thắng cảnh nổi tiếng tại tỉnh Kumamoto. Tenshukaku, tháp chính của lâu đài, hư hại nghiêm trọng sau hai trận động đất. Người Nhật Bản xây dựng lâu đài Kumamoto trên một đỉnh đồi vào thế kỷ 15 để phòng thủ. Ngày nay, nó là một trong 3 lâu đài nổi tiếng nhất Nhật Bản. Hai lâu đài kia mang tên Himeji và Matsumoto.
Kumamoto nằm ở cuối phía nam của dải đất Nhật Bản, nơi mà một hệ thống đứt gãy với các nhánh hoạt động theo hai hướng. Các trận động đất xảy ra dọc theo, với tâm chấn di chuyển từ phía tây sang đông theo thời gian. Khoảng 8g30’ ngày 16 tháng 4, núi Aso phun trào với tro cuồn cuộn cao 100 m (330 ft) vào không trung; vẫn chưa rõ liệu các vụ phun trào liên quan đến trận động đất. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã dự đoán rằng núi Aso đã được hoạt động từ trước khi trận động đất, được cảnh báo cấp 2 kể từ ngày 24 tháng 11 năm 2015. Trong những trận động đất vừa xảy ra, 3 nhà máy hạt nhân nằm trong khu vực không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một cuộc họp bất thường của Cơ quan Quy chế Hạt nhân của Nhật Bản (NRA) sẽ diễn ra ngày 18/4 nhằm đánh giá quy mô thảm họa.
Kể từ hôm 14/4, 500 trận động đất xảy ra ở Kyushu, trong đó có ít nhất 70 trận có cường độ lớn hơn 4 độ Richter, đủ làm rung lắc các tòa nhà. Địa chấn buộc các nhà máy lớn trong khu vực phải ngừng hoạt động dù nơi đây là trung tâm sản xuất công nghiệp quy mô của Nhật Bản trong đó có các hãng như Toyota, Sony…
Theo thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, số công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại tỉnh Kumamoto là hơn 1.600 người, tập trung chủ yếu tại các thành phố Yatsushiro, Kumamoto, Tamanashi, thị trấn Nagabuchi… Tại tỉnh Oita, khoảng 1.100 công dân Việt Nam, trong đó chủ yếu là các du học sinh, tu nghiệp sinh đang tập trung tại 3 thành phố Beppu, Usa và Oita. Các công dân Việt Nam đã được lánh nạn tại các trường trên địa bàn; một số sơ tán trong các lều, trại do quân đội Nhật Bản dựng lên. Điều kiện sinh hoạt tạm thời ổn định nhờ những nỗ lực kịp thời của chính quyền địa phương.
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka cũng đã khẩn trương tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân đối với các công dân Việt Nam đang gặp khó khăn. Ngay trong chiều ngày 17/4, Tổng Lãnh sự quán đã cử cán bộ mang theo đồ ăn, nước uống đến vùng bị nạn tại Kumamoto để trực tiếp nắm tình hình, động viên cộng đồng người Việt Nam.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka cũng đã phối hợp chặt chẽ, lập ra nhiều kênh liên lạc khác nhau qua các Hội hữu nghị Nhật – Việt tỉnh, chi nhánh vùng của các Hội sinh viên, học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, các chi bộ vùng và các đầu mối chính trong cộng đồng người Việt… Việc này là nhằm theo dõi và cập nhật tình hình công dân Việt Nam tại các khu vực xảy ra động đất, đồng thời, giữ liên lạc chặt chẽ với chính quyền địa phương để chủ động trong công tác hỗ trợ, giúp đỡ những trường hợp công dân Việt Nam gặp khó khăn. Riêng tại thành phố Beppu, nơi tập trung đông sinh viên Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán đã hướng dẫn chuẩn bị lương thực dự phòng, lập danh sách trực tuyến với tên và địa chỉ nơi sơ tán để theo dõi, quản lý thuận lợi.
Người Việt Nam có truyền thống “ Lá lành đùm lá rách”, “ Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Đó là một truyền thống tương thân tương ái đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Trước tình hình những người dân vùng Kumamoto bị ảnh hưởng của động đất, là những người đã từng học tập và sinh sống tại Nhật Bản, đặc biệt là các Cựu lưu học sinh Việt Nam tại tỉnh Kumamoto, Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản xin chia sẻ những thiếu thốn, khó khăn về vật chất lẫn tinh thần đến người dân Nhật Bản nói chung và người dân tỉnh Kumamoto nói riêng đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại trong trận động đất vừa qua. Bằng những tình cảm sâu sắc của các Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, chúng tôi mong rằng các bạn Nhật Bản sẽ sớm vượt qua thử thách khó khăn này, vững vàng bước tiếp trong sự nghiệp xây dựng đất nước Nhật Bản giàu mạnh.