Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (Vietnam Association of Japan Alumi – VAJA) là một tổ chức thành viên thuộc Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, được thành lập theo quyết định số 12/QĐVN-NB ngày 10/5/2001 của Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản dựa trên sự cho phép của Ban Đối ngoại Trung ương. Với hơn 2.000 thành viên đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, VAJA đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam-Nhật Bản.
Tổ chức Quốc tế Toshiba (Toshiba International- TIFO) được thành lập vào năm 1989 với sứ mệnh duy nhất là thúc đẩy sự hiểu biết quốc tế về Nhật Bản. Trong hơn 30 năm qua, thông qua các chương trình hợp tác với các tổ chức trên nhiều quốc gia, TIFO đã cung cấp các chương trình hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu, học giả và chuyên gia thực hiện các nghiên cứu phối hợp và nâng cao hiểu biết về Nhật Bản.
Năm 2015, VAJA đã ký kết hợp tác với TIFO về việc hợp tác hỗ trợ nghiên cứu cho các nhà khoa học trẻ học tập, giao lưu và nghiên cứu, nhằm tăng cường trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Từ năm 2016, dựa trên chương trình hợp tác giữa VAJA và TIFO, thông qua sự lựa chọn và tiến cử của VAJA, TIFO đã dành 20 suất học bổng sau tiến sĩ (chương trình Fellowship) cho các nhà khoa học trẻ đã bảo vệ luận án tiến sĩ tại Nhật Bản và trở về Việt Nam công tác trong vòng 5 năm, quay trở lại Nhật Bản thực hiện nghiên cứu, góp phần vào sự phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam.
Năm 2021-2022, do diễn biến phức tạp của dịch Covid 19 trên toàn cầu nên việc tổ chức chương trình đi nghiên cứu tại Nhật Bản không thực hiện được. Thay vào đó, VAJA và TIFO tổ chức chương trình hỗ trợ các nhà khoa học trẻ, là cựu lưu học sinh Việt Nam đã nhận bằng tiến sĩ tại Nhật Bản, thực hiện và công bố kết quả nghiên cứu. 15 nghiên cứu của 15 tiến sỹ trẻ thuộc các lĩnh vực khác nhau đã được lựa chọn. Sau các bước biên tập chuyên môn, vào giữa tháng 2 năm 2022, Tuyển tập các công trình nghiên cứu của các tiến sỹ trẻ đã được xuất bản tại Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, có mã số ISBN. Sau đó, buổi báo cáo online đã được tổ chức nhằm ra mắt cuốn sách nêu trên, đồng thời cũng là để 15 tác giả của 15 công trình nghiên cứu báo cáo, chia sẻ tóm tắt về kết quả nghiên cứu.
Năm 2023, VAJA và TIFO tiếp tục tổ chức chương trình hỗ trợ các nhà khoa học trẻ với nội dung như sau:
1. Lĩnh vực hỗ trợ: Dành cho tất cả các lĩnh vực liên quan đến các ngành khoa học xã hội – nhân văn và khoa học tự nhiên.
2. Điều kiện và tiêu chuẩn xét: Ứng viên cần đáp ứng các yêu cầu sau:
– Là công dân của Việt Nam;
– Đã nhận bằng tiến sĩ trong vòng 8 năm trở lại đây (từ 2016 – 2023) do các trường đại học, viện nghiên cứu, đơ vị đào tạo tại Nhật Bản cấp.
* Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh trong gần 3 năm qua, đối tượng nhận hỗ trợ nghiên cứu được mở rộng là các tiến sỹ nhận bằng trong vòng 8 năm (thay cho 5 năm của chương trình trước đây). Tức là những ai có bằng tiến sỹ tại Nhật từ năm 2014 trở lại đây sẽ thuộc đối tượng được hỗ trợ.)
3. Số lượng khoản hỗ trợ dự kiến cấp trong năm 2023: 15 suất
4. Chi phí hỗ trợ:
– Chi phí trực tiếp cho ứng viên: 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng/ 1 người)
– Chi phí gián tiếp: Dùng để thẩm định, hiệu đính, biên tập và xuất bản tuyển tập bài viết khoa học.
5. Định dạng bài viết
– Bài viết khoa học bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, có độ dài từ 10-12 trang A4, trình bày trên MS Word; định dạng font chữ: Times New Roman, cỡ chữ 13, khoảng cách dòng 1,5; tóm tắt bài viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt, dưới 300 chữ; có 4-5 từ khóa; trang cuối có thông tin liên hệ của tác giả. Sử dụng mẫu tại địa chỉ: https://bit.ly/vajatifotemp
– Các bài viết được chấp nhận sẽ được in trong tuyển tập có mã ấn phẩm ISBN do một nhà xuất bản uy tín phát hành.
6. Quy trình tuyển chọn và các mốc thời gian chính
6.1. Quy trình tuyển chọn
Các bài viết gửi về Ban Tổ chức sẽ được Hội đồng Khoa học kết hợp của VAJA và TIFO đánh giá và tuyển chọn dựa trên các tiêu chí sau:
– Nghiên cứu đó có góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học ở Nhật Bản và Việt Nam hay không?
– Nghiên cứu đó có ý nghĩa khoa học, thực tiễn và đóng góp cho lĩnh vực ngành, chuyên ngành của tác giả hay không?
– Ưu tiên các nghiên cứu được tiến hành kết hợp giữa ứng viên với các nhà khoa học của Nhật Bản.
6.2. Các mốc thời gian chính
– Đăng ký tham gia: Ứng viên đăng ký tham gia chương trình trước ngày 15 tháng 11 năm 2022, sử dụng mẫu đăng ký tại địa chỉ: https://bit.ly/tifodangky
– Thời hạn gửi bài viết toàn văn: Ngày 15 tháng 12 năm 2022 theo địa chỉ email: khcn.vaja@gmail.com
– Thời gian thông báo kết quả: Ngày 15 tháng 01 năm 2023
– Hoàn thành xuất bản Tuyển tập bài viết chuyên khảo: Ngày 18 tháng 02 năm 2022
– Tổ chức buổi công bố (trực tuyến) về kết quả xuất bản tuyến tập bài nghiên cứu, giới thiệu hoặc trình bày tóm tắt nội dung và kết quả nghiên cứu từ các báo cáo viên. (Dự kiến tháng 2 năm 2023)
7. Thông tin liên hệ
CLB CỰU LƯU HỌC SINH VIỆT NAM TẠI NHẬT BẢN
Văn phòng VAJA: Phòng 203, Toà nhà Việt, Số 245 Doãn Kế Thiện, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
Số điện thoại: (04) 6652 8789; Homepage:https://vaja.vn
Email: vajaoffice.jp@gmail,com (Văn phòng- Ms Dương)
Ban điều hành Chương trình hỗ trợ nghiên cứu năm 2023, VAJA :
Email: khcn.vaja@gmail.com (GS. TS. Trần Xuân Nam, Ban Khoa học Công nghệ)
Hình ảnh tuyển tập nghiên cứu xuất theo chương trình tài trợ năm 2022
