Trong các ngày từ 07- 09/7/ 2023, tại Thủ đô Jakarta, Cộng hòa Indonesia, đã diễn ra hai sự kiện gắn kết gồm Hội thảo chuyên đề lần thứ 21 do Hiệp hội Cựu lưu học sinh Châu Á tại Nhật Bản (ASJA) và Đại hội thường niên lần thứ 27 của Liên hiệp các Hội cựu sinh viên các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản (ASCOJA 27) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (VAJA) đã cử một đoàn đại biểu tới tham dự đầy đủ các nội dung của Hội thảo và Đại hội.
Đại hội và Hội thảo lần này là một trong các sự kiện lớn trong năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác Nhật Bản -ASEAN, đồng thời là kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao Indonesia – Nhật Bản. Với việc đứng ra tổ chức Đại hội ASCOJA 27 và Hội thảo ASJA-ASCOJA-PERSADA International Symposium lần này, Indonesia đã đạt đến 5 lần tổ chức các Đại hội trong số 27 lần Đại hội ASCOJA, đứng sau Philippine (đã đạt 5 lần khi tổ chức Đại hội ASCOJA 21, năm 2015). Ngoài Philippine và Indonesia, cho đến năm 2023 số lần tổ chức các Đại hội ASCOJA của các nước thành viên là: Thái Lan, Malaysia và Singapore (mỗi nước 4 lần), còn lại Myanmar, Việt Nam, Brunei, Campuchia và Lào, mỗi nước 1 lần theo thứ tự tổ chức trước.
Tiếp tục theo truyền thống của những lần tổ chức các Hội thảo chuyên đề và Đại hội ASJA- ASCOJA trước đây, chủ đề của Hội thảo chuyên đề ASJA- ASCOJA lần thứ 21 về “Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng và mang lại cơ hội cho sự phát triển xã hội, văn hóa và kinh tế ASEAN-Nhật Bản như thế nào”, và của Đại hội ASCOJA 27 “Hợp tác ASEAN – Nhật Bản hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững vì chất lượng cuộc sống tốt hơn” cũng là hai chủ đề có tính gắn kết trong một mục tiêu thảo luận về việc tiếp tục những bước đi mạnh mẽ sau 3 năm thế giới chao đảo vì Covid-19, tìm kiếm và thúc đẩy các cơ hội cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội giữa ASEAN và Nhật Bản. Sự tiếp nối này cũng đã bắt đầu từ Đại hội ASCOJA 26 đã được tổ chức theo hình thức online tại Singapore từ 18-20 /02/2022 với chủ đề “Ra khỏi đường hầm và bước ra ánh sáng – Chuẩn mực mới hậu Covid-19 cho ASEAN và Nhật Bản”. Điều đó chứng tỏ rằng như mọi tổ chức xã hội có trách nhiệm, ASJA và ASCOJA cũng đang có mối quan tâm thường trực đến những vấn đề hậu Covid-19 nhằm bắt kịp với những vấn đề mới của cuộc sống mà đại dịch đã để lại nhiều hậu quả và sự biến động.


Hội thảo ASJA- ASCOJA “Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng và mang lại cơ hội cho sự phát triển xã hội, văn hóa và kinh tế ASEAN – Nhật Bản như thế nào” được tổ chức một ngày trước Đại hội ASCOJA 27, với 10 bài thuyết trình của đại diện 10 hiệp hội thành viên ASJA đã được thực hiện trực tiếp tại Hội nghị, cho thấy sự quan tâm đa dạng của các tổ chức và cá nhân các nhà khoa học, các nhà quản lý, đến vấn đề khắc phục ảnh hưởng của đại dịch và triển khai các hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực như chiến lược phát triển, năng lượng, tài chính, y tế, giáo dục, du lịch… và đặc biệt là việc thực hiện trong thời đại kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ.
Chính vì vậy, sau phần mở đầu Hội nghị với bản báo cáo của Trưởng ban tổ chức, ông Heru Santoso; bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch ASJA, TS Hidekie Amangku; bài phát biểu của Phó Chánh văn phòng Đại sứ quán Nhật Bản tại Indonesia, ông Masami Tamura, phần thuyết trình quan trọng của Phó chủ tịch điều hành Sáng kiến toàn cầu Đại học Hiroshima, GS.TS Shinji Kaneko, với tiêu đề “Bài học rút ra từ đại dịch tại Đại học Hiroshima – Chủ tịch 5 Sáng kiến và Hợp tác với Đông Nam Á”. Phần thuyết trình có thời lượng dài nhất (30 phút) này đã mở ra một cách nhìn tổng quan về cơ hội hợp tác Nhật Bản – ASEAN qua cách làm của Đại học Hirrosshima (HU), với bề dày 150 năm hoạt động, với số lượng sinh viên hơn 15000 người, 12 khoa đào tạo đại học và 5 ngành đào tạo sau đại học và đặc biệt là số lượng sinh viên từ các nước Đông Nam Á hiện nay 294 người và tổng số cựu lưu học sinh từ các nước Đông Nam Á là trên 2000 người. Những thành tựu chủ yếu mà HU đã thực hiện trong giai đoạn 2020-2023 gồm: Lần đầu tiên với tư cách là cơ sở giáo dục Nhật Bản, HU đã ký Biên bản ghi nhớ song phương với Bộ Giáo dục Campuchia và dự án Cam kết đóng góp cho giáo dục đại học ở cả hai nước; HU dẫn đầu việc thành lập Khung chuyển đổi tín chỉ học thuật châu Á với chính phủ các nước ASEAN, 14 trường đại học…; Chương trình giáo dục nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế, xây dựng lòng tin và hòa bình ở châu Á; Nhanh chóng khởi xướng các tương tác đa dạng ở các cấp độ khác nhau với các nước ASEAN; Đẩy mạnh các chương trình và hình thức học tập, trao đổi online đặc biệt là về ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản… đáp ứng với quá trình số hóa. Và đặc biệt với 5 sáng kiến mà HU đã xây dựng và triển khai gồm: Đổi mới và An ninh Kinh tế thông qua Hình thành Hệ sinh thái Bán dẫn; An ninh Y tế công cộng Toàn cầu thông qua Phát triển Thuốc và Vắc xin, Y học Tái tạo và Liệu pháp Tế bào; Hòa bình thông qua quản lý thảm họa bức xạ toàn diện; Quản trị và Bền vững Đại dương và Hàng hải thông qua Trung tâm ưu việt Châu Á, và An ninh lương thực thông qua cải cách ngành chăn nuôi để cải thiện dinh dưỡng ở miền Nam, HU hy vọng sẽ được triển khai hợp tác với đội ngũ đông đảo các cựu lưu học sinh của nhà trường tiếp tục thực hiện một quá trình phát triển bền vững mới trong quan hệ Nhật Bản -ASEAN.









Tiếp tục với 10 bài thuyết trình của đại diện 10 hiệp hội thành viên ASJA trên các lĩnh vực như chiến lược phát triển, năng lượng, tài chính, y tế, giáo dục, du lịch… các diễn giả đã đều có một sự nhất trí trong đánh giá về hậu quả nặng nề đối với sự phát triển xã hội, văn hóa và kinh tế tại tất cả các nước. Đồng thời, đối với nội dung cơ bản của chủ đề Hội thảo về cách khắc phục hậu quả và tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội cho sự phát triển xã hội, văn hóa và kinh tế ASEAN – Nhật Bản, các diễn giả đã đều thống nhất ở quan điểm và chỉ ra các hình thức phong phú về tăng cường hợp tác, đẩy mạnh các hình thức áp dụng, chuyển đổi kỹ thuật số, bày tỏ sự tin tưởng vào một thời kỳ tốt đẹp mới trong quan hệ ASEAN – Nhật Bản.


Đoàn đại biểu của Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản đã tham gia một bài thuyết trình tại Hội thảo chuyên đề với tiêu đề “Đại dịch đã ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào và cách tạo ra những con đường mới cho tăng trưởng và hợp tác”, do Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Huy Bình, Phó trưởng Bộ môn Sinh lý học Đại học Y Hà Nội, trình bày. Ngoài những vấn đề cơ hội hợp tác chung giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực Y tế về phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, hợp tác về phương pháp điều trị… bài thuyết trình cũng nêu bật những khả năng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và du lịch văn hóa, an ninh lương thực, phát triển kỹ năng lực lượng lao động, xây dựng môi trường khởi nghiệp thúc đẩy đầu tư… Với cách trình bày đầy nhiệt huyết và với việc mở rộng các lĩnh vực nghiên cứu, đề xuất, bài thuyết trình đã nhận được sự quan tâm cao với nhiều câu hỏi trao đổi trong Hội thảo và thành viên Ban Giám đốc ASJA đã rất quan tâm trực tiếp trao đổi với tác giả ngay sau khi kết thúc thuyết trình.


Phiên chính thức của Đại hội ASCOJA 27 được tổ chức vào ngày 08/7. Với sự quan tâm sâu sắc, các vị lãnh đạo của hai nước Nhật Bản và Indonesia đã phát biểu chúc mừng trực tiếp tại Đại hội gồm: Đại sứ Nhật Bản tại Indonesia, Ngài Kanasugi Kenji; Chủ tịch Hiệp hội Nghị viên ASJA và ASCOJA, Ngài Suzuki Shunichi; Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Ngài Takei Shunsuke; và mặc dù không có mặt tại Đại hội, song Ngài cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasu Fukuda và Ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Văn hóa – Nghiên cứu và Công nghệ Cộng hòa Indonesia Nadiem Makarim đã gửi lời chúc mừng Đại hội qua video. Các bài chúc mừng với nhiều cách diễn đạt khác nhau song đều thống nhất vui mừng với 50 năm phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác ASEAN – Nhật Bản, bày tỏ tin tưởng vào vai trò của ASCOJA và các thành viên ASJA, tin tưởng một tình hữu nghị lâu dài, bền vững giữa các nước và khu vực “không thể hình thành chỉ qua một đêm” (như lời Đại sứ Kanasugi Kenji), chúc mừng thành công của Đại hội ASCOJA hàng năm…
Phần nội dung cơ bản của Đại hội đã được thực hiện với phần mở đầu là 2 bài phát biểu quan trọng: của Tiến sĩ Laksana Tri Handoko, Chủ tịch BRIN (Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia) của Cộng hòa Indonesia, trong đó Tiến sĩ khuyến khích tinh thần học hỏi, nghiên cứu của một nhà khoa học; và của GSTS Sugiyama Sadahisa, Chủ tịch Công ty TNHH Minami Fuji, trong đó truyền tải kinh nghiệm 48 năm phát triển nguồn nhân lực tại Châu Á với một số nguyên tắc cơ bản và quan trọng mà Công ty Minami Fuji, với Chủ tịch danh dự là cựu Thủ tướng Nhật Bản Fukuda Yasuo, đã và đang thực hiện.
Tiếp tục với 10 bài thuyết trình của Đại hội từ đại biểu của 10 hiệp hội thành viên. Mỗi đoàn đại biểu, tùy theo lựa chọn của mình, đã tập trung vào một hoặc hai trong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) mà Liên Hợp quốc đã xây dựng từ năm 2015 và bằng nghị quyết ngày 06/7/2017 của Đại hội đồng LHQ cụ thể hóa việc thực hiện. Một số thuyết trình đã có những phát kiến về việc ứng dụng công nghệ, tìm hiểu, giải quyết các thách thức trong quá trình phấn đấu đạt được các mục tiêu SDGs.
Bài thuyết trình của Đoàn đại biểu VAJA với tiêu đề “Chương trình mỗi xã, một sản phẩm” (OCOP) của Việt Nam, do Tiến sĩ Đặng Quý Nhân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trình bày. Bài thuyết trình tập trung giới thiệu Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững, góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội trong số các SDGs.

Xen kẽ giữa các bài thuyết trình và cuối mỗi phiên họp đều được tổ chức phần thảo luận mở nhằm phát triển thêm các ý kiến của các đại biểu về các vấn đề được trình bày. Hai bài thuyết trình của đoàn VAJA đều nhận được nhiều câu hỏi và ý kiến trao đổi khá sôi nổi thể hiện sự quan tâm của các đại biểu.
Cùng với việc thực hiện Hội thảo chuyên đề và Đại hội, các đoàn đại biểu đã được tổ chức một city tour tham quan thủ đô Jakarta với một dáng vẻ hiện đại mà bình yên với những tòa nhà kính xen giữa khoảng rừng cây xanh nhiệt đới thâm trầm tạo sự đặc sắc của khung cảnh một thủ đô nằm sát đường xích đạo của Trái Đất.
Ngoài các phiên hội thảo và Đại hội, lãnh đạo các Hội cựu lưu học sinh thành viên ASCOJA đã thực hiện phiên họp để bàn về các nhiệm vụ, hoạt động sắp tới. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động giao lưu kết nối cũng được thực hiện qua bữa tiệc Welcome Party, tiệc chiêu đãi của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Indonesia, buổi tiệc và giới thiệu một nét văn hóa âm nhạc Indonesia của Trường Đại học PERSADA nơi tổ chức Hội thảo và Đại hội. Và cuối cùng là buổi tiệc chia tay đầy sôi động và phấn khích vì một tương lai tiếp tục đoàn kết và hợp tác sâu rộng giữa các nước ASEAN và ASEAN – Nhật Bản trên cơ sở 50 năm xây dựng vượt qua các khó khăn và đại dịch vừa qua. Trong buổi tiệc chia tay cũng đã thực hiện các phần phát biểu giao nhận trách nhiệm tổ chức Đại hội ASCOJA 28 tại Băng-cốc, Thái Lan vào năm 2025, của các lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản, Trưởng đoàn Indonesia và Trưởng đoàn Thái Lan.






Chương trình hoạt động trên đất nước Indonesia qua 3 ngày đầy sôi nổi và hiệu quả, một lần nữa góp phần quan trọng trong việc gắn kết một cách thực tế mối quan hệ giữa các hiệp hội thành viên ASCOJA cũng như đã đưa mọi người đến củng cố một nhận thức chung về vượt qua các hậu quả của đại dịch, nắm bắt các cơ hội và cùng nhau phát triển trong một thời kỳ mới của mối quan hệ mọi mặt bền vững ASEAN – Nhật Bản.