Hội thảo Quốc tế về “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai” của Hiệp hội Cựu lưu học sinh các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản (ASCOJA) tại Yangon, Miyanmar, 2017

Trước diễn biến của thiên tai ngày càng phức tạp và khó lường kể cả cường độ về tần suất xuất hiện cũng như sự thay đổi về quy luật dẫn đến thiệt hại về thiên tai rất lớn như cơn bão số Doksori (bão số 10 năm 2017) vừa qua, hay hạn hán kỷ lục ở miền Nam Việt Nam năm 2016 (kỷ lục trong 100 năm qua); lũ lụt ở miền trung Việt Nam… hay động đất, sóng thần, bão lũ ở các nước châu Á, Hội thảo Quốc tế về “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai” được tổ chức tại Yangon, Myanmar từ ngày 6 đến hết ngày 7 tháng 1 năm 217 bởi Hiệp hội Cựu lưu học sinh các nước ASEAN tại Nhật Bản (ASCOJA). 05 thành viên của Đoàn CLB Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (JAV) do PGS.TS. Ngô Minh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, Chủ tịch JAV làm trưởng đoàn đã tham dự các hoạt động của Hội.

Hội nghị chuyên đề ASJA-ASCOJA- MAJA, 2017

Nhật Bản là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của thiên tai nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hàng năm, đất nước Nhật Bản phải hứng chịu những trận thiên tai khủng khiếp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trung bình mỗi năm Nhật Bản đón nhận khoảng 10 cơn bão đỗ bộ vào, những trận động đất và hoạt động của núi lửa đã cướp đi sinh mạng và tài sản của hàng ngàn người. Người dân Nhật Bản đã làm gì để ứng phó với thiên tai? Chính phủ và người dân Nhật Bản đã có nhiều bài học kinh nghiệm trong việc phòng ngừa và ứng phó với thảm họa thiên tai.

Các thành viên đoàn Việt Nam tham dự Hội thảo ASJA – ASCOJA

Tại Hội thảo Quốc tế về “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai” này, những kinh nghiệm quý báu của Nhật Bản trong việc ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai đã được chia sẻ bởi chuyên gia, PGS. TS. Mayumi SAKAMOTO, Trường Đại học Hyogo. Trong bài phát biểu của mình, PGS. TS. Mayumi SAKAMOTO nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch tổng thể cấp quốc gia, từ đó có các chính sách phù hợp giúp mỗi địa phương thực hiện tốt nhất kế hoạch quốc gia đã đề xuất. Truyền thông và nâng cao ý thức cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai được thực hiện thường xuyên và liên tục ở tất cả các tầng lớp xã hội, ngay từ bậc mầm non.
Hội trưởng Hội chữ Thập đỏ Myanmar, GS. TS. Mya Thu đã trình bày tại hội thảo những thuận lợi và khó khăn cũng như các bài học kinh nghiệm mà tổ chức phi chính phủ như Hội chữ thập đỏ đã thực hiện. Sự phối hợp giữa các tổ chức chính phủ, các ban ngành và các tổ chức phi chính phủ là hết sức quan trọng, góp phần tích cực trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Đại diện Hội Cựu lưu học sinh các nước Châu Á tại Nhật Bản: Cambodia, Indonesia, Laos, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thailand, và Vietnam đã trình bày về tình hình ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở nước mình. Phía Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Cúc, Trường Đại học Thủy Lợi đã có bài trình bày về chức năng và dịch vụ của hệ sinh thái rừng ngập mặn phục hồi tại Việt Nam trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai vùng ven biển. Thông qua việc đánh giá và so sánh mức độ thiệt hại và chi phí sửa chữa đê biển của một số cơn bão có cùng cường độ đổ bộ vào cùng địa phương trong một số năm, tác giả đã lượng giá giá trị bảo vệ bờ biển của rừng ngập mặn được phục hồi ở miền Bắc Việt Nam. Ngoài ra, dịch vụ hệ sinh thái của rừng ngập mặn trong việc nâng cao đời sống của cộng đồng ven biển thông qua hoạt động đánh bắt hải sản thủ công cũng được xác định. Kết quả cho thấy rừng ngập mặn đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho người dân vùng ven biển lúc nông nhàn. Như vậy, cùng với khả năng trực tiếp bảo vệ bờ biển, tăng cường ổn định kinh tế của cộng đồng cũng góp phần tích cực nâng cao khả năng giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho người dân ven biển.
Hội thảo đã quy tụ nhiều thành viên của Hiệp hội Cựu lưu học sinh các nước ASEAN tại Nhật Bản (ASCOJA). Bên cạnh việc chia sẻ những kinh nghiệm và bài học của mỗi quốc gia, hội thảo còn là dịp để các cựu học viên gặp gỡ, trao đổi thông tin, thành lập và mở rộng mạng lưới nghiên cứu khoa học cũng như trao đổi văn hóa. Các thành viên CLB Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản tham dự hội thảo này cũng có dịp tham quan một số địa điểm văn hóa lớn tại thành phố xinh đẹp Yangon như Shwe Dagon Pagoda, Htauk Kyant War Memorial Cemetery, và Bogyoke Aung San Market (Scott Market).
Trước khi rời Yangon trở về Hà Nội, đoàn đã đến thăm trụ sở mới của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar. Chuyến đi đã để lại cho các thành viên trong đoàn nhiều kỷ niệm đáng nhớ/./

Nguyễn Thị Kim Cúc

Rate this post

Related Posts